Khởi nghiệp ở tuổi ngoài 60 của những cựu chiến binh
9:14 PM
Apr 29, 2018
Ông Huỳnh Văn Duyên (trái) luôn quan tâm đến công nhân, những người phần lớn là các cựu chiến binh -----------------------------------------...
Ông Huỳnh Văn Duyên (trái) luôn quan tâm đến công nhân, những người phần lớn là các cựu chiến binh |
----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ông Huỳnh Văn Duyên (trái) luôn quan tâm đến công nhân, những người phần lớn là các cựu chiến binh. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN
Ra quân năm 1997 với hàm Trung tá, ông Huỳnh Văn Duyên (64 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Giấy và Bao bì Phú Thịnh (phường Đông Hưng Thuận, Quận 12) mới bắt đầu với nghiệp… doanh nhân khi cùng người bạn mở công ty sản xuất bao bì. Không chỉ chú trọng làm kinh tế, vị giám đốc "lớn tuổi đời, trẻ tuổi nghề" này còn tạo điều kiện cho nhiều cựu chiến binh có việc làm ổn định.
"Lơ mơ" bước vào nghề
Năm 1998, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Giấy và Bao bì Phú Thịnh, ông Duyên thừa nhận “lúc đó tôi không biết chuyên môn và không trực tiếp điều hành mà giao cho người bạn quản lý". Tuy nhiên, khó khăn đến với người cựu chiến binh khi đối tác quyết định rút vốn để tự lập doanh nghiệp năm 1999. Dù vậy, với tinh thần không khuất phục trước khó khăn của một người lính, ông Duyên đã từng bước học hỏi để nắm bắt được những nguyên tắc cơ bản trong lĩnh vực kinh doanh đầy mới mẻ này.
"Ban đầu kinh nghiệm công tác quản lý và vận hành chỉ của tôi là con số 0. Thời gian đó, tôi phải tự mày mò tìm hiểu, học hỏi cả ở lý thuyết và thực hành. Tôi đã đi tham quan học hỏi tất cả các nhà máy sản xuất giấy trong nước và nước ngoài như Malaysia, Trung Quốc. Sau một thời gian tôi đã nắm bắt được kỹ thuật và công nghệ", ông Huỳnh Văn Duyên chia sẻ.
Trước kia, Công ty có 5 dây chuyền sản xuất với khoảng 200 công nhân, công suất đạt được khoảng 70 tấn/ngày; lúc đó phần lớn là làm thủ công, năng suất thấp, chi phí sản xuất rất cao. Sau đó, do yêu cầu của Thành phố Hồ Chí Minh giải tỏa mặt bằng cho dự án Tham Lương – Bến Cát - Rạch Nước Lên nên mặt bằng của công ty đã bị thu hẹp. Vì vậy, công ty rút gọn lại, chỉ giữ lại dây chuyền chính với khoảng 50 công nhân. Cùng với đó, việc tuyển công nhân của công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Để vượt qua khó khăn , ông Huỳnh Văn Duyên đã tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi học hỏi để cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Ông quyết định đầu tư máy móc có công nghệ tiên tiến, đa năng để đáp ứng yêu cầu thực tế. Nếu trước đây, một công đoạn phải tới 16 người vận hành thủ công, bây giờ chỉ cần hai người cho một băng tải, năng suất lao động cao hơn hẳn.
Theo ông Huỳnh Văn Duyên, do xác định rõ, sản xuất ngày càng hiện đại, nếu không cải tiến công nghệ, sản phẩm sẽ khó được thị trường chấp nhận, công ty liên tục thay đổi các sản phẩm, lựa chọn sản phẩm phù hợp, được thị trường ưa chuộng. Các sản phẩm hiện nay của công ty được các nhà máy liên doanh sử dụng để sản xuất các sản phẩm đầu cuối.
Trong công nghệ sản xuất giấy, việc xử lý nước thải, rác thải là một vấn đề lớn cần xử lý triệt để , tránh gây ô nhiễm môi trường. Ông Huỳnh Văn Duyên đã nghiên cứu và mạnh dạn đầu tư hệ thống xử lý chất thải và rác thải mới, giúp đảm bảo hoạt động sản xuất. Hiện nhà máy đang sử dụng phương pháp xử lý nước thải từ sản xuất giấy bằng hóa chất. Toàn bộ chất thải sau khi xử lý được kết tủa đóng bánh rất dễ vận chuyển và xử lý ở giai đoạn sau. Trong khi đó hệ thống nước thải tuần hoàn đã tận dụng và xử lý triệt để nước thải từ quá trình sản xuất.
Với phương châm không ngừng ứng dụng công nghệ mới, Giám đốc Huỳnh Văn Duyên dự tính sẽ đầu tư thêm một dây chuyền quấn ống hiện đại hơn, công suất lớn hơn để quấn các loại giấy cao cấp với giá trị tốt hơn. “Tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm dây chuyền, công nghệ hiện đại để tăng hiệu quả sản xuất”, ông Duyên khẳng định.
Ông Huỳnh Văn Duyên giới thiệu dây chuyền cuốn giấy của Công ty TNHH Giấy và Bao bì Phú Thịnh. |
Nghĩa tình người lính
Hiện nay, trong số hơn 50 công nhân làm việc tại Công ty TNHH Giấy và Bao bì Phú Thịnh, phần lớn là bộ đội xuất ngũ. Theo ông Duyên, gặp những lao động là bộ đội xuất ngũ gặp khó khăn trong công việc, ông sẵn sàng đón nhận về công ty.
Xuất ngũ năm 1994, Trương Đình Bắc (46 tuổi, quê Quảng Bình) vào Thành phố Hồ Chí Minh để kiếm kế sinh nhai. Anh Bắc đã từng làm nhiều nghề nhưng công việc vẫn lận đận, vất vả “bữa đói bữa no". Trong một lần được bạn bè giới thiệu có “ông giám đốc cựu chiến binh hay giúp đỡ mọi người ”, anh Bắc đã tìm đến Công ty TNHH Giấy và Bao bì Phú Thịnh và đã được nhận vào làm việc. Anh Bắc cho biết: “Tôi được nhận vào làm từ năm 2000 và gắn bó suốt 18 năm qua với Công ty. Trong thời gian đó, ông Duyên luôn tạo điều kiện cho tôi được học tập và nâng cao tay nghề".
Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, hiện còn rất nhiều cựu chiến binh gặp khó khăn về kinh tế. Đại tá Trần Bá Tâm, Trưởng ban Kinh tế, Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, việc nỗ lực làm kinh tế, vươn lên làm giàu và hỗ trợ tạo việc làm cho đồng đội như của ông Duyên là một tấm gương rất đáng khen ngợi. Hội Cựu chiến binh thành phố mong muốn có thêm nhiều các cựu chiến binh có điều kiện kinh tế, qua đó giúp đỡ đồng đội và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Với doanh thu 2 tỷ đồng/tháng,Công ty TNHH Giấy và Bao bì Phú Thịnh chưa phải đã đạt doanh thu cao nhưng kết quả này đã thể hiện tâm huyết và nỗ lực của một người lính nay chuyển sang làm kinh tế.
Ông Huỳnh Văn Duyên đã vinh dự được cử đi tham dự Hội nghị Toàn quốc Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi lần thứ IV (giai đoạn 2011-2016). “Đó là niềm vui lớn nhất của một người lính như tôi, vẫn đóng góp cho đời, cho người sau khi rời quân ngũ”, ông Huỳnh Văn Duyên chia sẻ.
Bài 2: Khởi nghiệp… để không tụt hậu
Xuân Khu – Tiến Lực (TTXVN)
Nội dung chính